Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Bí quyết đạt 30 điểm của thủ khoa khối A

KĐH - Để đạt điểm cao khi thi khối A với cả 3 môn Toán – Lý – Hóa là mong muốn của tất cả các thí sinh. Sau đây là chia sẻ bí quyết của một thủ khoa 30 điểm khối A kỳ thi ĐH 2009.  

Đàm Văn Đông ĐH Kinh tế quốc dân
Làm Toán: Cần trình bày logic và nêm thêm chút văn

Theo Đông, môn Toán không nhiều lý thuyết, đề thi 100% là bài tập. Tuy nhiên, để làm tốt bài tập, thí sinh cần thuộc nhiều công thức. “Công thức toán không nhiều lắm nhưng một số khá cồng kềnh, phức tạp. Có khi em phải tìm mối liên hệ giữa các phần tử, đến khi sử dụng thì nhờ máy tính hỗ trợ tính toán để nhớ được chính xác công thức”, Đông chia sẻ.

Môn toán có nhiều dạng bài tập, mỗi dạng có nhiều cách giải, nhiều lối suy nghĩ để tìm đến đáp án. Do đó, Đông thường ôn theo từng dạng bài, sau đó tổng hợp lại, thống kê xem có tất cả bao nhiêu dạng toán, mỗi dạng có bao nhiêu cách giải, cách giải nào nhanh đến đích nhất, thông minh nhất. Sau khi nắm chắc các dạng bài, Đông bắt đầu “nghiền” đề để có kiến thức tổng quát về các dạng bài và các cách giải. Khi đã thành thục, Đông còn tự ra đề để làm: “Tự ra đề mất nhiều thời gian nhưng người học sẽ nhớ lâu hơn dạng bài và cách giải dạng bài đó”, Đông tâm sự.

Theo Đông, trong đề thi có những bài tập đơn giản, có thể giải theo một “gu” có sẵn nhưng cũng có những bài hóc búa, đòi hỏi người làm phải giải qua nhiều bước, áp dụng nhiều công thức. Thậm chí, trong một bài có nhiều ý, muốn giải được ý khó thì phải giải ý dễ trước, có nghĩa là các bài toán liên quan đến nhau.

Tuy là bài thi môn toán nhưng theo Đông, phần trình bày cũng rất quan trọng. Các bài toán cần trình bày logic, từng ý rõ ràng và có chút “văn của toán”. “Trình bày như thế sẽ gây được ấn tượng cho người chấm và có thể vớt vát được chút điểm khi làm sai kết quả. Vì nếu trình bày không rõ ràng người chấm sẽ không phân biệt được các bước, nếu sai là không được điểm nào”, Đông giải thích.

Cũng theo Đông, làm toán khó tránh khỏi dập xóa nhưng trong bài thi hạn chế càng ít càng tốt. Khi sai thì nên gạch chéo phần sai, sau đó gạch một gạch thẳng phia dưới phần sai rồi bắt đầu làm lại, tránh gạch be bét nhiều nét, khiến bài thi bị bẩn, rách, gây mất thiện cảm cho người chấm. Đông mách nước: “Bài đơn giản có thể viết trực tiếp vào bài thi, bài khó thì phải giải trước ra nháp hoặc khi định hình chắc chắn các bước giải thì mới làm vào giấy thi”.

Học Lý: “Cảnh giác” với sách tham khảo sai!

Đông cho biết, kiến thức môn vật lý rất rộng, đòi hỏi người học phải hiểu bản chất của vấn đề và biết bao quát, tổng hợp vấn đề. Tuy nhiên, lý thuyết môn Lý rất thú vị và dễ học vì các nguyên lý thường gắn liền với thực tế. Do đó, để nhớ được kiến thức trong sách giáo khoa, Đông thường nhớ các áp dụng của nguyên lý vào thực tiễn. Ví như, các nguyên lý của gương cầu lồi (phần quang hình) giúp người học hiểu được tại sao ở những góc cua của đường đèo thường được đặt gương cầu lồi để nhìn thấy những xe phía trước đang đi tới. Hay bài gương phẳng (phần quang hình) giúp ta giải thích được thắc mắc vì sao khi soi một trang giấy qua gương ta cũng thấy một trang giấy nhưng chữ trên trang giấy bị ngươc.

Cũng theo Đông, môn vật lý có nhiều công thức mà mỗi thầy cô có một kho công thức riêng (phần cơ bản giống nhau, phần mở rộng khác nhau), do đó Đông thường tạo cho mình một kho công thức riêng. Trong đó, tổng hợp có chọn lọc kho công thức của các thầy cô, bạn bè và sách tham khảo.

Tuy nhiên, Đông cho rằng, thí sinh làm câu hỏi lý thuyết lý dễ bị mắc lừa bởi những từ hiểm. Do đó, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi, hiểu bản chất vấn đề. “Nếu hiểu sai một từ thôi là đã chuyển sang một ý khác. Ngoài ra, các bạn cũng phải cẩn thận với những bài ra dưới dạng đan xen giữa bài tập với lý thuyết. Những bài này ít tính toán nhưng đòi hỏi người làm phải có tính phát hiện, tư duy và so sánh”, Đông nói.

Học Hóa: Luyện bấm máy tính cho dẻo

Đông tiết lộ, môn hóa liên quan đến nhiều loại chất, mỗi chất có nhiều tính chất khác nhau. Người học thường mắc lỗi nhầm lẫn hoặc nhớ thiếu tính chất. Do đó khi học, Đông thường liệt kê tất cả các chất ra giấy, sau đó học từng chất một. “Những câu hỏi hỏi tính chất đòi hỏi thí sinh phải nhớ thật đầy đủ các tính chất, nhất là những tính chất hiếm gặp, đặc trưng”, Đông lưu ý.

Khác với môn Vật Lý, câu hỏi lý thuyết Hóa thường hỏi thẳng vào vấn đề, người học ít bị lừa. Ví dụ, câu hỏi thường ra dưới dạng: cho một số chất tạo ra các phản ứng rồi hỏi có bao nhiêu phản ứng, phản ứng nào xảy ra trước, phản ứng nào sau. Do đó, người học phải nhớ đầy đủ, chính xác, phân biệt chất nào mạnh, chất nào yếu, tránh nhầm về hiện tượng.

Về phần bài tập, theo Đông, bấm máy tính dẻo hỗ trợ rất nhiều cho việc làm bài tập hóa. Bởi lẽ bài tập hóa liên quan đến nhiều con số, thông qua nhiều bước quy đổi, tính toán nhiều. “Bấm máy tính chậm hoặc vụng ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ làm bài và độ chính xác của đáp án”, Đông nói.

Đông khuyên các bạn thí sinh không nên hoang mang khi làm bài thi ra đáp án lẻ: “Chuyện làm bài tập trong sách ở lớp ra những đáp án đẹp nhưng đi thi ra đáp án lẻ là chuyện thường gặp. Điều quan trọng, các bạn phải thật tỉnh táo khi làm các bước quy đổi, tính toán và tự tin vào sản phẩm mình làm ra”.

Khi làm bài ba môn Toán, Lý, Hóa, theo Đông, nên làm bài dễ trước để có một số vốn rồi mới làm bài khó. Riêng đối với môn Toán thi tự luận, nếu làm 5-10 phút mà không nghĩ ra hướng giải thì nên chuyển ngay sang giải bài khác, khi còn thời gian thì quay lại làm tiếp.

(theo Thủ khoa khối A chia sẻ bí quyết đạt điểm tối đa. (Đất Việt) )
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét